Khi biết anh Phan Đăng Phúc có ý định chuyển đổi 2 ha trồng hoa màu tại vùng đất "chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập" ở thôn 8 (xã Ea Lê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) sang trồng chanh, gia đình, bạn bè đều can ngăn. Mặc cho bị nói là "gàn", là "điên" nhưng anh vẫn quyết tâm chuyển đổi cây trồng với mong muốn tìm cơ hội đổi đời.
Cuối năm 2012, tình cờ nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng nói về các loại cây có múi ít sâu bệnh, năng suất cao, anh Phan Đăng Phúc đã "khăn gói" đến các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre tìm hiểu, học tập kỹ thuật chăm sóc. Theo anh Phúc, nếu trồng cam, quýt mà bị chua thì không bán được nên đã chọn cây chanh không hạt và đặt mua 1.000 cây giống về trồng thử nghiệm với giá 20.000 đồng/cây. Những năm đầu tiên do chưa có kinh nghiệm nên anh gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, xử lý ra hoa.
|
Anh Phan Đăng Phúc chia sẻ kinh nghiệm xử lý cho cây chanh không hạt ra hoa trái vụ. |
Không nản chí, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tích cực trao đổi, học hỏi thêm các nông hộ ở miền Tây, đến nay, vườn chanh không hạt của gia đình anh đã xanh tốt, sai trĩu quả. Vụ thu bói đầu tiên vào năm 2015, gia đình anh thu được 7 tấn quả và được thương lái miền Tây bao tiêu sản phẩm với 20.000 đồng/kg. Đồng thời, anh đã chiết xuất 3.000 cây chanh giống bán cho nông dân trong và ngoài xã. Đến nay, tại xã Ea Lê và Ea Rốc đã có 20 hộ phát triển mô hình trồng chanh không hạt, trong đó 3 hộ bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Phúc cho biết: "Trồng chanh không hạt không khó vì cây ít bị sâu bệnh, phát triển nhanh. Trước khi trồng cần xử lý đất, bón lót, sau đó trồng hàng cách hàng 5 m, cây cách cây 3,5 m. Cái khó là xử lý cho cây ra hoa trái vụ để bán được giá cao. 1 ha trồng chanh đầu tư hết 30 triệu đồng nhưng nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch từ 10-15 năm. Riêng năm nay, tôi ước tính sẽ thu được trên 20 tấn quả. Giá bán chanh tại vườn từ 10.000 đồng đến trên 20.000 đồng/kg, có lúc lên đến 40.000 đồng/kg. Và quan trọng hơn, sản phẩm của gia đình tôi đã tìm được đầu ra ổn định".
Để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, anh Phúc đã mạnh dạn mua 1.000 cây chuối mốc trồng xen trong vườn chanh. Thực tế cho thấy, anh đã thành công với hướng đi này. Cây chuối mốc phát triển nhanh, sau 9 tháng cho thu hoạch, bình quân mỗi buồng bán được 150.000 nghìn đồng, thời điểm giáp Tết giá tăng lên gấp nhiều lần. Tết năm nay gia đình anh thu được khoảng 300 buồng chuối. Hiện nay, với mô hình trồng xen cây chanh không hạt và cây chuối mốc đã đem lại cho gia đình anh khoản lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Văn Mợi, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Ea Súp đánh giá: "Đây là mô hình kinh tế hiệu quả và phù hợp với vùng đất này. Nhiều nông dân trong và ngoài xã đã học hỏi, phát triển trồng cây chanh không hạt. Hy vọng, về lâu dài, cây chanh không hạt có thể trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp nông dân địa phương có thu nhập ổn định".
Yến Ngọc
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Ý kiến bạn đọc