Thực hiện Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam đã từng bước hoàn thiện, phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế. Hiện cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo; các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trong đó khu vực tư nhân đã mang đến "làn sóng" mới cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam.
Việc triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã thu hút và huy động được sự quan tâm, tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Đồng thời, thông qua thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, sự gắn kết giữa các viện-trường-doanh nghiệp đã phát huy tác dụng, tạo được mối liên kết, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Nguồn: hanoimoi
Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Giai đoạn 2000-2010 là giai đoạn đầu của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đây là giai đoạn nền móng cho việc hình thành các thể chế về thị trường khoa học và công nghệ. Giai đoạn này, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam mới hình thành và phát triển ở mức rất sơ khai. Lượng giao dịch trên thị trường khoa học và công nghệ không đáng kể và đơn điệu, chủ yếu diễn ra giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg thành lập Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tiếp đó, một loạt các chính sách, chương trình phục vụ phát triển thị trường khoa học và công nghệ đã được ban hành, trong đó có Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã ban hành 14 văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 4 Luật, 6 Nghị định và 12 thông tư quy định về cơ chế, biện pháp ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung-cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; công nhận quyền tài sản, quyền sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu khoa học; sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi, miễn giảm thuế cho khởi nghiệp sáng tạo… nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Có thể nói hành lang pháp lý liên quan đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến nay tương đối đầy đủ. Đặc biệt, ngày 13/7/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký Quyết định số 1158/QĐ-TTg ban hành "Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030", được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết: Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng với các bộ, ngành, đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy các giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học và công nghệ; cơ chế liên thông thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động. Bộ đẩy mạnh hợp tác viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu và đề xuất cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả chuyên gia khoa học và công nghệ là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam...
Nâng cao chất lượng, thúc đẩy nguồn cung - cầu
Ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho rằng: Giai đoạn 2011-2020 là giai đoạn thị trường khoa học và công nghệ đã định hình và vận hành đúng quy luật. Hiện cả nước đã có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ như: Sàn giao dịch công nghệ, trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ, với 69 cơ sở ươm tạo (Business Incubator - BI). Các tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator - BA), đặc biệt trong khu vực tư nhân, mang đến làn sóng mới cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam.
Cách mạng nông nghiệp 4.0
Hiện đã có 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh được triển khai, tăng thêm 3 chương trình so với năm 2020 và gấp gần 6 lần số lượng năm 2016. Nhiều kết quả nghiên cứu từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được thực hiện, góp phần quan trọng để thị trường khoa học và công nghệ từng bước phát triển, hoàn thiện theo xu hướng hội nhập quốc tế.
Để đạt mục tiêu đề ra, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030 tập trung thúc đẩy nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ thông qua việc điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ và xuất bản báo cáo phân tích nhu cầu công nghệ của một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Chương trình thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện nghiên cứu, trường đại học theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ…
Cùng với thúc đẩy nguồn cầu, việc phát triển nguồn cung thị trường khoa học và công nghệ cũng đã được quan tâm thúc đẩy, thông qua cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ trên thị trường. Chương trình tập trung thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp, ngành hàng xuất khẩu chủ lực; hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; đẩy mạnh hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, cung cấp các dịch vụ công có tính hệ thống về thị trường khoa học và công nghệ...
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học và công nghệ cũng được tăng cường.