Kế hoạch đề ra mục tiêu giai đoạn 2023-2030: Triển khai đồng bộ, có hiệu quả Kết luận số 69-KL/TW và định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2030, KH,CN&ĐMST có tiềm lực và trình độ tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước.
Để triển khai thực hiện đạt mục tiêu, Kế hoạch đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp như sau:
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; xác định phát triển KH,CN&ĐMST là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hộị, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của ngành, vùng, địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Khẩn trương cụ thể hoá nghị quyết, chủ trương của Đảng, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, tạo bước đột phá để chuyển nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất lao động, tiến bộ KH,CN&ĐMST, nguồn nhân lực chất lượng cao và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH,CN&ĐMST, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong công tác vận động, tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội, động viên Nhân dân tham gia tích cực, góp phần phát triển KH,CN&ĐMST. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới mang lại hiệu quả thiết thực.
- Đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST
Đảm bảo chi đúng mục đích cho hoạt động KH,CN&ĐMST hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN; phân bổ nguồn kinh phí cấp tỉnh/huyện đảm bảo tập trung, trọng điểm; đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư của xã hội cho KH&CN, đặc biệt thu hút vốn của doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST. Phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách của địa phương vào năm 2030 cho các hoạt động KH,CN&ĐMST; nâng cao tỷ lệ đóng góp của KH,CN&ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thể hiện qua đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức từ 40% trở lên; xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu.
Chú trọng đổi mới chế độ quản lý tài chính, đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công. Đồng thời, chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong nghiên cứu khoa học nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng, chuyển giao các lĩnh vực khoa học, công nghệ có tính nền tảng, ưu tiên, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mới và chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách để phát triển KH,CN&ĐMST. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KH,CN&ĐMST; ưu tiên, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và thị trường KH&CN. Tăng cường năng lực dự báo chiến lược về xu thế phát triển của khoa học, công nghệ; xây dựng các chương trình, nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới, các sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng; ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng cao, nhất là các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về KH,CN&ĐMST.
Có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng có thể tiếp nhận các nguồn lực tài chính hợp pháp, tham gia góp phần phát triển KH,CN&ĐMST.
Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KH,CN&ĐMST.
- Nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Tiếp tục sắp xếp, đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KH&CN công lập nhằm thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng mọi nguồn lực trong và ngoài nước, cụ thể: Đổi mới hệ thống, bảo đảm tinh gọn, có năng lực tự chủ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao.
Hình: Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh”. Ảnh: Thanh Thanh.
Thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức có năng lực tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài, đề án, nhiệm vụ KH&CN trọng điểm của tỉnh; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tăng cường hoạt động giảng dạy gắn với nghiên cứu, phát triển KH,CN&ĐMST, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng những lĩnh vực tỉnh có thế mạnh. Chủ động tiếp cận những thành tựu KH&CN tiên tiến, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, kỹ năng và trình độ, chủ động hướng tới tự chủ về công nghệ trong một số lĩnh vực có lợi thế phát triển bền vững của tỉnh;
Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học, từng bước đáp ứng chất lượng trường chuẩn quốc gia tiến tới phát triển mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập. Thúc đẩy phát triển giáo dục theo xu thế hiện đại hoá gắn với xã hội hoá. Huy động tối đa các nguồn lực tham gia xã hội hoá, tăng cường mô hình liên kết nâng cao chất lượng, loại hình và quy mô đào tạo.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp ưu tiên, thương mại điện tử, du lịch, nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học giỏi, nhân tài; hỗ trợ việc phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, có tiềm năng.
Nâng cấp Trung tâm KH&CN Tây Ninh thành Trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo. Thu hút đầu tư các hạ tầng, cơ sở vật chất khác phục vụ trực tiếp cho hoạt động KH,CN&ĐMST; tiềm lực và trình độ tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng, như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…; trình độ năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của cả nước.
- Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Chỉ đạo thành lập và hoạt động Khu ươm tạo công nghệ hoặc Khu đổi mới sáng tạo/ không gian làm việc chung thuộc Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh; thành lập Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo; khuyến khích khu vực tư nhân thành lập các quỹ đầu tư khoa học và công nghệ, thu hút trí thức tham gia hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
Triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về KH,CN&ĐMST trong các cơ sở giáo dục; xây dựng các vườn ươm công nghệ, nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở; khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước thành lập trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Quan tâm xây dựng, phát triển văn hoá phù hợp với tính mới, tính khác biệt của KH,CN&ĐMST.
Hình: Chuối nuôi cấy mô và Mía nuôi cấy mô trong phòng thí nghiệm của Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công. Ảnh: Thanh Thanh.
Phát triển các hướng nghiên cứu, giải pháp công nghệ gắn với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng gắn với các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chú trọng vùng trọng điểm và phát huy lợi thế của từng khu vực. Nghiên cứu phát triển công nghệ thay thế, công nghệ sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, công nghệ năng lượng xanh.
- Thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, các bên cùng có lợi; chủ động, kịp thời cập nhật, ứng dụng phát triển các dịch vụ, sản phẩm chủ lực góp phần xây dựng thương hiệu của tỉnh. Có chính sách ưu đãi cho sản phẩm đang trong thời kỳ thử nghiệm, sử dụng công nghệ mới và các hoạt động tư vấn, nhập khẩu, xuất khẩu công nghệ.
- Tăng cường hợp tác nghiên cứu, đào tạo, tư vấn với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng KH&CN tiên tiến, các chuẩn mực quốc tế; thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực.
Nguồn: https://tayninh.dcs.vn
Tác giả: Quản trị Quản trị
Ý kiến bạn đọc