"Để phát triển nền kinh tế đất nước thì việc thúc đẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo cho doanh nhân là cấp thiết, vừa tạo ra cơ hội cho cộng đồng, vừa tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, địa phương và quốc gia". Vườn ươm doanh nghiệp là cầu nối quan trọng để đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo, tinh thần và văn hóa doanh nhân mới vào cộng đồng. Phát triển vườn ươm doanh nghiệp cần một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đồng bộ, năng động, với sự tham gia mạnh mẽ đến từ các thành tố của hệ sinh thái.
Ông Lý Đình Quân, TGĐ Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp ĐMST Quốc gia
Mục tiêu của vườn ươm
Các vườn ươm doanh nghiệp sẽ giúp tăng cường năng lực cho các nhà sáng lập với trọng tâm phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và tinh thần, văn hóa khởi nghiệp liêm chính, vườn ươm cũng gia tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp nhờ mạng lưới kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ và đổi mới sáng tạo gia nhập thị trường dễ dàng hơn. Các vườn ươm doanh nghiệp sẽ gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi các startup có thể tương tác và kết nối, hợp tác liên tục giữa các tổ chức khác nhau, tùy theo chủ sở hữu sáng lập thì vườn ươm thực hiện các mục tiêu khác nhau.
Đối với các chương trình ươm tạo doanh nghiệp, mục tiêu chính là nâng cao khả năng của nhà sáng lập với chương trình đào tạo về văn hóa khởi nghiệp, kiến thức đổi mới sáng tạo và giúp chuyển hóa ý tưởng thành các mô hình kinh doanh sáng tạo, sản phẩm thử nghiệm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Các chương trình ươm tạo rất phù hợp ở các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo ở các tập đoàn... Đối với các chương trình tăng tốc thường dành cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, năng lực vận hành doanh nghiệp, khả năng thương mại hóa, gia nhập thị trường, kết nối nguồn lực và gọi vốn đầu tư.
Cấu trúc và hệ thống vận hành
Mô hình vận hành vườn ươm thường bao gồm 5 hoạt động chính:
+ Chính sách quản lý: Thực hiện các mục tiêu của chương trình ươm tạo đề ra như số lượng, chất lượng các ý tưởng, lĩnh vực ươm tạo, cũng như chính sách đầu tư, thoát vốn…
+ Cấu trúc tổ chức: Quản lý chương trình, nguồn nhân sự vận hành kiểm soát chất lượng, tiến độ, các nhà cố vấn chương trình và quan hệ các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
+ Nguồn lực: Sự hỗ trợ từ các cơ sở vật chất của cơ sở ươm tạo, tình nguyện viên, ngân sách từ các nhà tài trợ, nhà đầu tư.
+ Kết nối bên ngoài: kết nối các nguồn lực của mạng lưới hệ sinh thái khởi nghiệp như cơ chế, chính sách của trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của startup đã thành công, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác.
+ Dịch vụ hỗ trợ: Hỗ trợ cơ sở vật chất, hỗ trợ việc vận hành doanh nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, công tác quản lý, tài chính…
nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/