Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới - IPDAY 2024: Sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới và sáng tạo - Hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc

Thứ sáu - 26/04/2024 09:19 106 0
Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày SHTT thế giới 2024 là: “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”.

Tháng 9/2015, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hiệp quốc đặt ra, giống như một danh sách việc cần làm chung cho cả thế giới đến năm 2030, thúc giục chúng ta giải quyết các thách thức toàn cầu khác nhau. Bao gồm tất cả mọi vấn đề từ nghèo đói đến y tế, giáo dục, nước sạch và môi trường, hướng tới việc xây dựng một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho các quốc gia. Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, vai trò của sở hữu trí tuệ cũng ngày càng được rõ nét và cho thấy là một yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt là khi nhìn qua lăng kính thúc đẩy việc đạt được các SDG. Sở hữu trí tuệ đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đổi mới, là công cụ bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sáng tạo, nhà đầu tư, khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh.  Bằng các cơ chế đảm bảo sự độc quyền trên nguyên tắc cân bằng lợi ích, hệ thống sở hữu trí tuệ khuyến khích hoạt động nghiên cứu, tạo ra các công nghệ tiên tiến để đảm bảo các SDG. Sở hữu trí tuệ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn giải quyết những thách thức quan trọng được nêu trong từng SDG, như năng lượng sạch, chăm sóc sức khỏe...

Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang đóng góp thành tựu vào hầu hết tất cả các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới như xoá đói giảm nghèo, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp, thúc đẩy tiếp cận và hiệu quả của năng lượng…  KH&CN nói chung cùng sở hữu trí tuệ (SHTT) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) nói riêng có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) công bố chủ đề Ngày SHTT thế giới 2024 là: “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Chủ đề năm nay rất hay và có ý nghĩa sâu sắc, khám phá cách thức mà SHTT khuyến khích và hỗ trợ tăng cường các giải pháp ĐMST quan trọng hướng tới xây dựng tương lai chung dựa trên các SDG của Liên hiệp quốc.

Theo WIPO, những người tạo ra sự thay đổi trên toàn thế giới đang thúc đẩy những hoạt động ĐMST cần thiết để đạt được các SDG và xây dựng một tương lai bền vững, tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người ở khắp mọi miền. Trong đó, SHTT là trung tâm để giải quyết những thách thức toàn cầu mà con người phải đối mặt và là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự tăng trưởng và phát triển của xã hội. Do đó, SHTT có vai trò quan trọng trong việc cải thiện sinh kế và bảo vệ hành tinh.

Ngày SHTT thế giới năm 2024 là cơ hội để thể hiện vai trò trung tâm của SHTT và ĐMST trong việc hướng tới thực hiện các SDG của Liên hiệp quốc vì lợi ích của tất cả mọi người trên toàn thế giới.

 Nguồn: https://vietnam.un.org/vi/sdg

 

Mục tiêu 1: Xóa nghèo

 Để đạt được mục tiêu xóa nghèo, cần phải triển khai các biện pháp bảo trợ xã hội thích hợp, thiết lập những khung chính sách đầu tư trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, thông qua tăng cường hợp tác phát triển, để có thể đưa ra các biện pháp thỏa đáng để thực thi các chính sách và chương trình xóa nghèo ở mọi khía cạnh. SHTT và ĐMST là động lực quan trọng của phát triển kinh tế và có thể cải thiện sinh kế. Với SHTT, những ai hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn bằng những ý tưởng sáng tạo có thể nghiên cứu để hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo của mình và thương mại hóa những thành quả sáng tạo. Việc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo có thể tạo ra nhiều việc làm hơn, các cơ hội việc làm đa dạng, phong phú sẽ giúp người dân cải thiện sinh kế. Chính phủ giúp các nhà khoa học và doanh nhân chuyển hóa ý tưởng sáng tạo của họ thành tài sản bằng cách không ngừng phát triển hệ thống SHTT quốc gia và nâng cao nhận thức về SHTT trong toàn xã hội.

Mục tiêu 2: Không còn nạn đói

Để đạt được mục tiêu không còn nạn đói, cần đảm bảo hệ thống sản xuất lương thực bền vững, có khả năng phục hồi để tăng năng suất và sản lượng. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường đầu tư ở các lĩnh vực quan trọng (cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, nghiên cứu nông nghiệp và các dịch vụ khuyến nông, phát triển công nghệ và ngân hàng gen, giống cây trồng, vật nuôi) để gia tăng năng lực sản xuất nông nghiệp ở các nước đang phát triển và đặc biệt là những nước kém phát triển. Mất an ninh lương thực là một thách thức toàn cầu do dân số ngày càng tăng, đất đai hữu hạn và biến đổi khí hậu. Nhờ hoạt động ĐMST - được hỗ trợ bằng các quyền SHTT - chúng ta có thể đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thế giới và cắt giảm lãng phí thực phẩm. Cụ thể là quyền SHTT đã tạo động lực mạnh đối với các hoạt động đổi mới, đầu tư và chuyển giao kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Mục tiêu 3: Có sức khỏe và cuộc sống tốt

Nhân loại đã phải đối mặt với nhiều đại dịch và cũng đã giải quyết dứt điểm được một số bệnh hiểm nghèo nhờ vào việc nghiên cứu tích cực của các nhà khoa học. ĐMST đã tạo ra nhiều tiến bộ và thành tựu trong lĩnh vực y tế, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Nhưng chúng ta cần mở rộng những lợi ích từ khai thác các thành tựu này và tiếp tục giải quyết những thách thức mới nảy sinh về chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều thách thức cũng đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết lập các điều kiện thuận lợi cho hoạt động ĐMST trong lĩnh vực y tế, đồng thời giải quyết các nhu cầu y tế chưa được đáp ứng bằng cách đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi các thành tựu y tế mới hiệu quả hơn. Vấn đề cân bằng lợi ích giữa các chủ thể sáng tạo và cộng đồng trong đạt mục tiêu có sức khỏe và cuộc sống tốt luôn được thảo luận và xem xét kỹ trong hoàn thiện cơ chế bảo hộ quyền SHTT của mỗi quốc gia cũng như cấp độ quốc tế.

Mục tiêu 4: Giáo dục có chất lượng

Mục tiêu này hướng tới đảm bảo nền giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng, nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Bên cạnh các kiến thức chuyên môn trong từng lĩnh vực, thông qua đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về SHTT, các chủ thể sáng tạo và doanh nhân có được các kỹ năng và kiến thức cần thiết về SHTT để biến ý tưởng của họ thành các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới và cải tiến nhằm hỗ trợ con người, sự thịnh vượng và hành tinh của chúng ta. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách có được sự hiểu biết sâu sắc về pháp luật và thực tiễn SHTT để phát triển các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST nhằm phát triển bền vững.

Mục tiêu 5: Bình đẳng giới

Mục tiêu bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái là cụ thể hóa cam kết về việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở mọi nơi. Bảo đảm quyền lợi và cơ hội bình đẳng cho nữ giới và nam giới. Thực tế cho thấy các chủ thể sáng tạo và doanh nhân nữ đang thay đổi thế giới của chúng ta bằng trí tưởng tượng và sự khéo léo của họ. Nhưng hiện nay còn có quá ít phụ nữ sử dụng, khai thác hiệu quả hệ thống SHTT dẫn tới tiềm năng trong hoạt động ĐMST của phụ nữ chưa được tận dụng đúng mức. Chúng ta cần trao quyền cho phụ nữ và ưu tiên bình đẳng giới để đạt được sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa bền vững.

Mục tiêu 6: Nước sạch và vệ sinh

Cần khẳng định rằng nước sạch là tiền đề của cuộc sống, để đạt được mục tiêu nước sạch và vệ sinh cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu tình trạng thiếu nước và ô nhiễm môi trường. Cần thực hiện việc quản lý tập trung các nguồn tài nguyên. ĐMST và SHTT đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý bền vững tài nguyên nước của hành tinh. Các công nghệ mới nhờ tiến bộ kỹ thuật đã cho phép hệ thống quản lý nước hiệu quả hơn thông qua số hóa các quy trình (ví dụ: AI, IoT, 5G, blockchain, viễn thám); thu hồi nước thải bằng chất xúc tác nano và tảo; cải thiện quá trình lọc nước bằng vật liệu nano để thu hồi các chất ô nhiễm vi mô; phòng chống lũ lụt; bảo tồn nước; lọc và khử mặn nước bằng hệ thống điện năng lượng mặt trời, v.v.

Mục tiêu 7: Năng lượng sạch và giá thành hợp lý

Đảm bảo cho tất cả mọi người được tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại, giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không sạch và không bền vững bằng cách thúc đẩy nghiên cứu tạo ra và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, hiệu quả và sạch sẽ. Quyền SHTT có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao và triển khai các công nghệ năng lượng sạch nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và cải thiện an ninh năng lượng. Các công ty năng lượng đổi mới sử dụng SHTT để hỗ trợ chất lượng các sản phẩm ĐMST của họ và thu hút khoản đầu tư cần thiết để cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. ĐMST đã cải thiện khả năng của chúng ta trong việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (như gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt, sóng); tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng quốc gia và vận hành, giám sát và duy trì chúng hiệu quả hơn.

Mục tiêu 8: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế

Công việc tốt, đầy đủ và năng suất cho tất cả mọi người trong xã hội sẽ đảm bảo được tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện. Với một hệ thống SHTT hiệu quả, bạn có thể tạo ra thu nhập từ các thành quả ĐMST của mình. Các công ty có năng lực cạnh tranh cao hơn. Khi phát triển mạnh, họ tạo ra việc làm mới và đóng góp vào hiệu quả kinh tế quốc gia. Toàn cầu hóa đã thúc đẩy nhu cầu bảo vệ quyền SHTT trong nước và quốc tế khi các công ty và quốc gia trôi theo dòng chảy xuyên biên giới về công nghệ, thương hiệu, thiết kế và ý tưởng.

Các quốc gia ngày càng coi ĐMST là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Do đó, SHTT đã trở thành một trong những chính sách quan trọng, là một công cụ mạnh mẽ để tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững, tạo cơ hội việc làm phong phú và hiệu quả cho tất cả mọi người.Thúc đẩy các chính sách định hướng phát triển để hỗ trợ các hoạt động sản xuất, tạo việc làm tốt, kinh doanh, sáng tạo và đổi mới, khuyến khích thành lập và phát triển các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua cả việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Mục tiêu 9: Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng

Mục tiêu này hướng tới xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới. ĐMST rất quan trọng trong việc tìm ra giải pháp kỹ thuật mới cho những thách thức căn bản của phát triển bền vững. Quyền SHTT được bảo đảm sẽ khuyến khích và là căn cứ để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào việc phát triển những kết quả đó. Hệ thống SHTT quốc gia được vận hành hiệu quả là yếu tố then chốt để phát triển hệ sinh thái ĐMST. Sứ mệnh của WIPO là dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái SHTT toàn cầu cân bằng, hiệu quả và toàn diện nhằm thúc đẩy ĐMST vì một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn.

Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng

Giảm bất bình đẳng giữa các nhóm chủ thể trong xã hội, từng bước đạt được và duy trì tăng trưởng thu nhập của người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, khuyết tật, chủng tộc, sắc tộc, nguồn gốc, tôn giáo, kinh tế và các tình trạng khác. ĐMST được hỗ trợ bởi quyền SHTT là động lực chính cho tăng trưởng kinh doanh và hiệu quả kinh tế. Khi doanh nghiệp phát triển mạnh, họ tạo việc làm cải thiện sinh kế và ổn định cuộc sống cho các nhóm chủ thể trong cộng đồng. WIPO cam kết hợp tác với các nước đang phát triển để giúp họ tham gia vào nền kinh tế đổi mới toàn cầu và hưởng lợi từ hệ thống SHTT. WIPO đang tiếp cận với nhóm đối tượng là phụ nữ, thanh niên, doanh nghiệp vừa và nhỏ và cộng đồng để gia tăng sự hiểu biết về vai trò của SHTT đối với cuộc sống của họ.

Mục tiêu 11: Các thành phố và cộng đồng bền vững

Mục tiêu này nhấn mạnh vai trò của phát triển đô thị, nông thôn bền vững có khả năng chống chịu, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng. SHTT và ĐMST hỗ trợ phát triển các công nghệ cần thiết để hồi sinh và hiện đại hóa đô thị, giúp người dân được hưởng thu cuộc sống chất lượng hơn đúng với các mục tiêu bền vững. ĐMST dựa trên SHTT có thể nâng cao cuộc sống đô thị với các giải pháp năng lượng sạch sáng tạo giúp giảm lượng khí thải carbon; các công nghệ kỹ thuật số dựa trên công nghệ thông tin - truyền thông (ví dụ: AI, Big Data thiết bị IoT) cung cấp thông tin chi tiết dựa trên dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của phát triển đô thị, như cung cấp khả năng tiếp cận hệ thống giao thông an toàn, sử dụng vật liệu xây dựng bền vững và các phương pháp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên...

Mục tiêu 12: Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm

Để đạt được mục tiêu này, cần hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực khoa học kỹ thuật để áp dụng các mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, xây dựng và thực hiện các công cụ để giám sát các tác động của phát triển bền vững với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Quyền SHTT giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm bằng cách cho phép các doanh nghiệp đổi mới tạo ra giá trị từ các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ tập trung vào tính bền vững. Khi các doanh nghiệp được đảm bảo lợi ích kinh tế từ việc đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, họ chấp nhận rủi ro để tiếp tục phát triển các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ sạch, hiệu quả và liên tục đổi mới hơn. Khi những sản phẩm và dịch vụ mới có mặt trên thị trường, các công ty, thông qua chiến lược xây dựng thương hiệu, có thể củng cố các đánh giá về tính bền vững và vị thế của mình trên thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng có những lựa chọn mua hàng có trách nhiệm hơn.

Quyền SHTT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy văn hóa và sản phẩm địa phương thông qua việc bảo hộ và phát triển những đối tượng SHTT gắn với lợi thế của từng địa phương.

Mục tiêu 13: Hành động vì khí hậu

Khí hậu ngày càng có những thay đổi theo chiều hướng xấu, diễn biến khôn lường, bởi vậy các chính phủ cần có những cam kết quan trọng để ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến đổi khí hậu và thiên tai nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nó tới môi trường và con người. ĐMST hỗ trợ tạo ra các công nghệ thân thiện với khí hậu nhằm  giảm thiểu ô nhiễm, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Việc nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của biến đổi khí hậu thông qua các phương tiện truyền thông sáng tạo, bao gồm sách, phim, trò chơi và âm nhạc cũng là một trong các biện pháp quan trọng trong năng lực quản lý và quy hoạch thay đổi liên quan đến khi hậu ở các nước đang phát triển.

Mục tiêu 14: Tài nguyên và môi trường biển

Bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên từ đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững là cấp thiết và quan trọng mà tất cả các quốc gia có lợi thế về biển cần quan tâm.  Quyền SHTT khuyến khích ĐMST cần thiết để: phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản bền vững; giải quyết ô nhiễm, đặc biệt là từ nhựa (chiếm khoảng 86% rác thải biển); khôi phục hệ sinh thái biển; tạo ra các hoạt động khai thác đại dương hiệu quả hơn, năng suất cao hơn và giá cả phải chăng hơn từ du lịch và vận chuyển đến nghiên cứu khoa học, sản xuất năng lượng và đánh bắt cá. Nâng cao kiến thức khoa học, phát triển năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển, cung cấp khả năng tiếp cận thị trường và tài nguyên biển.

Mục tiêu 15: Tài nguyên và môi trường trên đất liền

Mục tiêu này hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất. Các chính phủ cần hành động kịp thời để giảm thiểu sự xuống cấp của môi trường sống tự nhiên, bao gồm chống sa mạc hóa, phục hồi các vùng đất bị thoái hóa. Khuyến khích chia sẻ công bằng và hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng các nguồn gen, chấm dứng nạn săn trộm và buôn bán các loài động thực vật quý hiếm. ĐMST được hỗ trợ bởi quyền SHTT có thể giúp giảm thiểu những thách thức về môi trường và tạo ra sự kết nối cân bằng và lâu dài giữa con người với môi trường chúng ta đang sống.

Mục tiêu 16: Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ

Hòa bình, công lý và hiệu quả của hệ thống quản lý nhà nước dựa trên pháp quyền là trọng tâm để đạt được sự phát triển bền vững. Chính phủ các nước cần thúc đẩy phát triển một xã hội hòa bình và hòa nhập, cung cấp khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và hòa nhập ở tất cả các cấp. Đẩy mạnh hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế, đem lại sức sống mới cho quan hệ đối tác toàn cầu phát triển về mọi mặt. Tiếp cận khoa học, công nghệ và đổi mới. Thúc đẩy sự phát triển, phổ biến và truyền bá các công nghệ thân thiện với môi trường.  Hệ thống SHTT tồn tại nhằm tạo môi trường thuận lợi cho ĐMST phát triển và giải quyết các tranh chấp liên quan.

Mục tiêu 17: Quan hệ đối tác vì các mục tiêu

Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững được coi là chìa khóa quan trọng để giải quyết những thách thức toàn cầu và định hình một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực tài chính, công nghệ, nhân lực, thương mại. Phát triển bền vững đóng vai trò là lời nhắc nhở rằng không có gì là khả thi nếu thiếu vắng sự chia sẻ trách nhiệm và sự hợp tác. Nếu không chia sẻ trách nhiệm, chúng ta có nguy cơ bỏ lại vô số người phía sau. Chúng ta phải sát cánh cùng những người yếu thế hơn trong xã hội - phụ nữ, thanh niên, người thu nhập thấp, người khuyết tật, người tị nạn, người xin tị nạn và dân di tản, cộng đồng người bị thiệt thòi, nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu mà Liên hiệp quốc đã đặt ra.

Quyền SHTT hỗ trợ chuyển giao công nghệ và hợp tác kinh doanh, cho phép các sáng chế, kiến thức và SHTT được chuyển giao từ người sáng tạo đến công chúng và giới tư nhân. Với SHTT, các doanh nghiệp có thể thu hút các đối tác và lợi tức đầu tư nghiên cứu thông qua các thỏa thuận hợp tác phát triển và li xăng. Với tư cách là cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc về ĐMST và SHTT, WIPO đóng vai trò là diễn đàn toàn cầu để đối thoại và hợp tác về các vấn đề liên quan đến SHTT có tác động đến phát triển bền vững.

Trong bối cảnh thế giới đang phát triển nhanh chóng, SHTT đóng vai trò là chất xúc tác cho sự đổi mới, bảo vệ quyền của các chủ thể sáng tạo, kinh doanh, khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh. SHTT góp phần tăng trưởng kinh tế thông qua việc đảm bảo cho hoạt động ĐMST nhằm giải quyết những thách thức quan trọng hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, năng lượng sạch, bình đẳng giữa các nhóm chủ thể, chăm sóc sức khỏe...

Điển hình như ở Mục tiêu 7 - Năng lượng sạch và giá thành hợp lý, các sáng chế trong lĩnh vực năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy những tiến bộ trong đổi mới năng lượng mặt trời, chẳng hạn như công nghệ nâng cao hiệu quả của các tấm pin mặt trời hoặc cửa sổ năng lượng mặt trời, đổi mới năng lượng gió... Việc bảo hộ quyền SHTT cho những sáng chế này rất quan trọng trong mục tiêu cung cấp năng lượng hiện đại, đáng tin cậy, bền vững và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người. Quyền SHTT được đảm bảo cũng sẽ tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này.‍

Đối với Mục tiêu 3 - Có sức khỏe và cuộc sống tốt, các sáng chế và các quyền SHTT đảm bảo cho thành quả nghiên cứu, sáng tạo trong phát triển công nghệ liên quan tới y tế và dược phẩm, đem lại những lợi ích đột phá cho sức khỏe toàn cầu. Những biện pháp bảo hộ quyền SHTT không chỉ khuyến khích nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực y tế mà còn tạo điều kiện cho việc phổ biến rộng rãi các sáng kiến y học. Do đó, SHTT có thể đóng góp vào mục tiêu tổng quát là nâng cao sức khỏe và hạnh phúc trên toàn thế giới.

Ở Mục tiêu 2 - Không còn nạn đói và Mục tiêu 12 - Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm, các quyền SHTT khuyến khích các nhà nghiên cứu và nhà đổi mới tìm ra những cách tốt hơn để sáng chế ra các công cụ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, giải pháp giúp canh tác bền vững, nâng cao giá trị các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp. Những công nghệ và phương pháp thực hành mới này sẽ giúp sản xuất nhiều thực phẩm hơn, từ đó dẫn đến việc phân phối thực phẩm tốt hơn. Việc bảo hộ quyền SHTT những đổi mới này đảm bảo chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường, thúc đẩy một hệ thống thực phẩm bền vững và linh hoạt hơn.

Đặc biệt, với Mục tiêu 10 - Giảm bất bình đẳng, công cụ SHTT được xem là giải pháp pháp lý hiệu quả, cung cấp cách thức và quản trị nguồn tri thức, sáng tạo, trí tuệ giúp các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trụ vững, vươn mình trước các doanh nghiệp lớn. Khi sở hữu một sản phẩm khác biệt có yếu tố sáng tạo được bảo hộ quyền SHTT, doanh nghiệp đã đi trước đối thủ một bước về sự độc quyền trong việc khai thác và sử dụng đối tượng này trong một khoảng thời gian nhất định, đủ để gia tăng doanh thu, lợi nhuận và tiếp tục cải tiến những sản phẩm chất lượng tương tự, mang lại một chuỗi sản phẩm mới, thu hút khách hàng tiềm năng.

Trong bối cảnh chung phát triển chung của toàn thế giới cùng hướng tới các mục tiêu của Liên hiệp quốc, quyền SHTT đóng vai trò là chất xúc tác ủng hộ, tạo ra một môi trường hỗ trợ hoạt động ĐMST và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ một cách bền vững. Các sáng chế, giải pháp hữu ích và thiết kế đã đăng ký bảo hộ góp phần dẫn đầu sự đổi mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến các mục tiêu như nông nghiệp, năng lượng tái tạo và chăm sóc sức khỏe; còn bản quyền giúp thúc đẩy những tiến bộ trong việc cung cấp nền giáo dục có chất lượng trên toàn cầu.  Chính vì vậy, khi nói tới phát triển bền vững, SHTT và ĐMST chính là yếu tố then chốt, mở đường cho một thế giới xanh hơn và sáng tạo hơn.

Hướng tới tương lai tương lai tươi đẹp của tất cả chúng ta cùng với việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, sự hợp tác sẽ  đóng vai trò rất quan trọng. Các chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các chủ thể sáng tạo cần phải cùng nhau hành động để tạo ra tác động thực sự, tìm ra giải pháp hiệu quả giúp đạt được các mục tiêu toàn cầu của mình. Đã đến lúc các doanh nghiệp và các chủ thể sáng tạo đưa ra những ý tưởng mới hơn và thực hiện nhiều hoạt động ĐMST hơn để sớm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững do Liên hiệp quốc đặt ra. Và đương nhiên, để có những hoạt động ĐMST hiệu quả đòi hỏi hệ thống SHTT phải không ngừng hoàn thiện và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các nhóm chủ thể.

Nguồn: https://www.ipvietnam.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập86
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm85
  • Hôm nay637
  • Tháng hiện tại55,564
  • Tổng lượt truy cập2,997,593
trả lời phản ánh, kiến nghị
trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
công khai minh bạch
CSDL Quốc Gia
Góp ý dự thảo
Biểu mẫu thống kê thông tin KH&CN
Các cuộc điều tra về lĩnh vực khoa học và công nghệ
Đăng ký kết quả thực hiện nv kh&cn
SÀN GIAO DỊCH
csdl
Danh mục TTHC
tbt
Họp không giấy
hỏi đáp trực tuyến
giải búa liềm vàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây