Công ty chào bán 15% cổ phần với tổng giá trị 135 tỷ đồng, tương đương mức giá phát hành 38.000 đồng/cổ phần. Số vốn huy động dự kiến sử dụng để tập trung mở rộng 02 nhà máy tại Lào Cai, Lạng Sơn nhằm sản xuất chuyên sâu các sản phẩm từ quế, hồi với công nghệ máy móc hiện đại.
Các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế của Vinasamex
Là doanh nghiệp nông sản hiếm hoi của Việt Nam đạt 11 chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 4 chứng nhận hữu cơ của các thị trường cao cấp nhất thế giới, Vinasamex đã dành hơn 10 năm giải "bài toán" khó nâng tầm sản phẩm gia vị và hương liệu Việt Nam trên thị trường, song song với cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngàn hộ nông dân bản địa. Đáng chú ý, ngay ở thời điểm "cơn bão" Covid-19 nhấn chìm nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh thu của Vinasamex vẫn tăng gần 60% trong năm 2021. Đặt lộ trình IPO vào năm 2026 và ký kết với hàng loạt đối tác chiến lược, đơn vị này kỳ vọng tạo ra giá trị hơn 1.445 tỷ đồng trong vòng 05 năm tới, với khoản cổ tức gần 83 tỷ đồng được chi trả trong cùng khoảng thời gian.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng cao 04 năm liên tiếp
Theo báo cáo tài chính của Vinasamex, tổng doanh thu năm 2021 là 275 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2020 (151 tỷ đồng) và tăng 231% so với năm 2018 (83 tỷ đồng), cũng trong giai đoạn 2018-2021, lợi nhuận sau thuế tăng 477%. Năm 2021, lợi nhuận sau thuế là 20,8 tỷ đồng, gấp 2,77 lần năm 2020. Quy mô tài sản tính đến cuối năm 2021 đạt 267 tỷ đồng.
CEO Nguyễn Thị Huyền trình bày biểu đồ giá các gia vị chính trên thế giới từ 2010-2018,
trong đó quế ghi nhận sự tăng giá đột biến.
Những con số được đặt trong bối cảnh doanh nghiệp đã tập trung sản xuất hữu cơ từ năm 2013, cho thấy hướng đi đúng đắn và bền vững. Giá các sản phẩm có chứng nhận hữu cơ cao hơn nhiều sản phẩm thường, nâng cao đáng kể thu nhập của người dân. "Ví dụ, năm 2015 thu nhập của một hộ gia đình Tày – Nùng ở vùng trồng của chúng tôi chỉ khoảng 7-10 triệu/ha, nhưng đến năm 2021, con số đó đã tăng lên 150 triệu/ha – nghĩa là hơn gần 20 lần", bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng Giám đốc Vinasamex cho biết.
Hiện nay Vinasamex đã xây dựng được 4367 ha vùng nguyên liệu quế, hồi, nghệ hữu cơ, liên kết với 2115 hộ dân tại các tỉnh Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai và Bắc Kạn. Người nông dân hợp tác với Vinasamex được bao tiêu 100% đầu ra với giá cao hơn giá thị trường (10-15%). Trong năm 2022, công ty này sẽ mở thêm 2 chi nhánh và văn phòng tại Hà Lan (trung tâm gia vị thế giới) và tại Mỹ (thị trường tiêu thụ gia vị lớn nhất thế giới mà Vinasamex đã bước vào được với ba nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ).
Bên cạnh 4 vùng nguyên liệu chính (Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Kạn), Vinasamex cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với huyện Cam Lộ (Quảng Trị) để phát triển 20.000 ha quế, tạo việc làm cho 400-500 lao động địa phương.
Vinasamex đã ký kết và công bố đối tác Americata là nhà tài trợ thành lập và vận hành Vinasamex tại Mỹ.
Không bỏ lỡ thị trường dồi dào tiềm năng
Các nghiên cứu mới nhất khẳng định rằng thị trường gia vị hữu cơ thế giới sẽ tăng trưởng tối thiểu 4,6% mỗi năm và đạt tổng giá trị 15,4 tỷ USD trong 10 năm tới. Riêng thị trường quế, từ nay đến 2025, trung bình tăng trưởng mỗi năm là 14%.
Sa bàn minh hoạ các nhà máy và vùng nguyên liệu đang và sẽ được Vinasamex triển khai
Nguyên nhân là nhu cầu về quế tăng, do đây là một loại thực phẩm bổ sung có lợi cho sức khoẻ. Giá quế tăng cao còn do sự sụt giảm sản lượng quế của Indonesia– lâu nay là nguồn cung quế lớn nhất thế giới. Đợt tăng giá này khiến quế Việt Nam được hưởng lợi. Đơn cử, giá trị xuất khẩu quế của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn 2012-2021 tăng theo cấp số nhân: từ chưa đầy 5 triệu USD năm 2012 tăng lên 52,83 triệu USD năm 2021. Số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam cho biết tổng diện tích trồng quế ở Việt Nam là khoảng 150.000 ha, chiếm 17% sản lượng toàn cầu.
Sẵn có thế mạnh, kết quả kinh doanh khả quan, cùng tham vọng khẳng định vị thế thương hiệu nông sản Việt Nam trên bản đồ thế giới, Vinasamex vừa chào bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư cá nhân, với tổng giá trị 135 tỷ đồng, tương đương mức phát hành 38.000 đồng/cổ phần. Nguồn vốn huy động sẽ được đầu tư vào các nhà máy mới, chế biến quy mô đạt chuẩn thế giới, tạo ra những sản phẩm chế biến sâu và giá trị cao hơn.
Cụ thể, trong giai đoạn 1, Vinasamex sẽ triển khai xây dựng nhà máy tại Lào Cai trên diện tích 2,2 ha với công suất 2.000 tấn quế tươi/năm, sản xuất 140 tấn tinh dầu quế/năm. Giai đoạn 2 là nhà máy tại Lạng Sơn quy mô 1,6 ha, công suất mỗi năm là 2.000 tấn quế, 1.000 tấn hoa hồi, 80 tấn tinh dầu hoa hồi. Giai đoạn 3, Vinasamex dự kiến xây dựng nhà máy 10 ha tại Lào Cai với công suất có thể lên đến 10.000 tấn quế mỗi năm.
Theo lộ trình IPO, sau đợt huy động vốn từ các nhà đầu tư "Angel" năm 2022, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các vòng gọi vốn series A - VC, series B - PE và series C - PE trước khi thực hiện chào bán cổ phần ra công chúng vào năm 2026./.
nguồn: https://cafef.vn