Đây là một trong những mục tiêu của việc thành lập Hội Sáng chế Việt Nam (Hội). Hội đã chính thức ra mắt và tổ chức đại hội thành lập Hội Sáng chế Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 sáng 31/12.
Hội sáng chế Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện, phi lợi nhuận của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sáng chế. Các tổ chức, cá nhân khác mong muốn tham gia hợp tác nghiên cứu, đầu tư phát triển, ứng dụng, thương mại hóa sáng chế, giải pháp kỹ thuật, phụ vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh cũng có thể tham gia Hội.
Hội ra đời nhằm hỗ trợ các hội viên phát triển tất cả các tài sản trí tuệ, sản phẩm sáng tạo đã được đăng ký, cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích và những giải pháp công nghệ có tiềm năng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phát triển ra những sáng chế mới. Bên cạnh đó, Hội phát huy vai trò là cầu nối giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, các Hội có cùng mục tiêu, lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp với các nhà sáng chế; hình thành và phát triển các hình thức liên kết, hợp tác hỗ trợ giúp đỡ giữa các hội viên với nhau, với các tổ chức khác trong hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa sáng chế.
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Hội sẽ đẩy mạnh hợp tác trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thương mại hóa, ứng dụng và chuyển giao sáng chế giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển KT – XH. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực có năng lực đổi mới sáng tạo để có nhiều sáng chế và công nghệ mới hữu ích.
Ban chấp hành Hội gồm 16 thành viên. Ông Trần Quốc Thắng – Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN được bầu làm Chủ tịch Hội và ông Bùi Văn Quyền – Giám đốc Văn phòng Chương trình KH&CN Tây Nam bộ làm Tổng thư ký Hội.
Phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân đánh giá cao sự ra đời của Hội sáng chếViệt Nam, song hành với các hội khác trong lĩnh vực này như hội sở hữu trí tuệ. Bộ KH&CN được giao trách nhiệm quản lý các hội chuyên ngành về khoa học công nghệ. Trong nhiều năm qua, Bộ đã sát cánh cùng với các hội để tổ chức nhiều hoạt động để đưa tinh thần sáng tạo vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ trưởng, Hội nên tập trung trước mắt cho các nhà sáng chế không chuyên. Bởi các nhà sáng chế chuyên nghiệp đã có ngân sách nhà nước thông qua đề tài, dự án và các hoạt động khác hỗ trợ trực tiếp cho họ. Các nhà sáng chế không chuyên hiện còn rất đơn độc trong hoạt động sáng tạo của mình. Vì thế Hội nên hướng vào hỗ trợ cho các nhà sáng chế không chuyên, kể cả những người có bằng sáng chế được công nhận và những người mới có ý tưởng hoặc sản phẩm bước đầu chưa đăng ký sáng chế.
Bộ trưởng cũng chia sẻ, Hội là một tổ chức hoàn toàn tự nguyện nên tinh thần dấn thân, cống hiến lớn hơn rất nhiều. Vì vậy sự thống nhất, chia sẻ, đoàn kết trong nội bộ là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp Hội ngày càng phát triển vững mạnh.
Nguồn: Khoa học và Phát triển
Ý kiến bạn đọc