Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Tây Ninh đã tổ chức họp Hội đồng xét duyệt đề tài “Điều tra nghiên cứu biện pháp chuẩn đoán, phòng trừ bệnh hại chính trên cây khoai mì tại tỉnh Tây Ninh” do TS. Phạm Đức Toàn - Trường Đại học Nông lâm Tp.HCM đăng ký chủ nhiệm. Hội đồng đã mời GS.TS Phạm Văn Biên và TS.Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia phản biện cùng với sự tham dự của các thành viên đang công tác tại các Sở, ngành có liên quan.
Mục tiêu chính của đề tài là nghiên cứu các đặc điểm hình thái, đặc điểm sinh học, tập tính gây hại và đưa ra các biện pháp phòng trừ tổng hợp đối tượng rệp sáp bột hồng (Phenacoccus manihoti) trên cây khoai mì tại địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Nhận xét về mục tiêu và nội dung nghiên cứu, các thành viên Hội đồng đánh giá đây là một đề tài có ý nghĩa thực tiễn và có khả năng ứng dụng cao; sau khi nghiên cứu thành công có thể chuyển giao ngay cho các hộ trồng khoai mì trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, Hội đồng cũng đề nghị bổ sung một số nội dung nghiên cứu về bệnh chổi rồng như xây dựng quy trình chẩn đoán phát hiện sớm bệnh chổi rồng do Phytoplasma gây ra, và đưa ra biện pháp quản lý phòng trừ tổng hợp đạt hiệu quả đối với bệnh hại này; nghiên cứu mối liên quan (nếu có) giữa hai đối tượng rệp sáp bột hồng và bệnh chổi rồng trên đồng ruộng khoai mì tại tỉnh Tây Ninh. Để từ đó đưa ra biện pháp canh tác, quản lý, phòng trừ tổng hợp đạt hiệu quả cho người trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh, giúp ổn định diện tích sản xuất và nâng cao thu nhập cho người trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Tổng hợp các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, ThS. Nguyễn Minh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng yêu cầu Chủ nhiệm đề tài tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung vào nội dung đề cương, Hội đồng cũng đã nhất trí chỉnh sửa lại tên của đề tài cho phù hợp thành “Nghiên cứu biện pháp phát hiện, chẩn đoán, phòng trừ bệnh chổi rồng và rệp sáp bột hồng trên cây khoai mì tại Tây Ninh”. Theo đó, bổ sung thêm tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước, đặc biệt là thực trạng gây hại của sâu bệnh trên cây mì tại Tây Ninh; bổ sung nghiên cứu tác hại của bệnh chổi rồng, rệp sáp bột hồng trên cây mì; chi tiết khối lượng nội dung công việc nghiên cứu: 02 chuyên đề (quy trình li trích DNA và quy trình chẩn đoán phát hiện Phytoplasma trên khoai mì bằng PCR; Quy trình phòng trừ tổng hợp rệp sáp bột hồng và bệnh chổi rồng do Phytoplasma gây hại trên khoai mì), số lượng mẫu phiếu điều tra.
Hội đồng đã tiến hành đánh giá: đề tài đạt kết quả giao trực tiếp.
Phòng Quản lý khoa học
Ý kiến bạn đọc